Hôm nay, mình xin được chia sẻ đến các bạn một trải nghiệm đáng sợ và nhớ mãi mà chúng mình đã gặp phải khi đi du lịch kết hợp leo núi tại Nhật Bản đó là gặp gấu rừng.
(Ảnh minh hoa) Du lịch leo núi và chạm mặt gấu rừng Nhật Bản |
Địa điểm núi Asahiyama nơi chúng mình gặp gấu rừng |
Với các bạn đã đến học tập hay làm việc tại Nhật Bản, chắc hẳn các bạn đã từng có cơ hội tham gia các hoạt động tập thể hằng năm như leo núi, hái măng thường niên, lễ hội trồng rừng hay các hoạt động ngoài trời, cắm trại... và trong tất cả các hoạt động đó nếu diễn ra ở khu vưc rừng núi tự nhiên được bảo tồn thì ngoài các trang bị an toàn cần thiết phục vụ hoạt động như quần áo, dày dép, đồ ăn thức uống, dụng cụ... thì còn một vật rất quan trọng không thể bỏ qua đó là còi/ hoặc chuông phát âm thanh thường được gọi là 鈴・すず với mục đích sử dụng để phát ra âm thành để báo hiệu và xua đuổi các loài động vật hoang dã có thể gặp phải, đặc biệt là gấu rừng. Trong năm đầu tiên đến Nhật, mình đã được tham gia hoạt động hái măng (được gọi là タケノコ) thường niên hằng năm do công ty mình tổ chức tại ngọn núi cũng là khu cắm trại cách công ty khoảng 50km.
Bài viết chia sẻ về giấy thông báo tham gia hoạt động hái măng thường niên:
Thành thật mà nói, ngày ấy khi được thông báo rằng cần phải mua chuông báo 鈴 để xua đuổi gấu rừng mình đã không tin là có thể gặp gấu rừng ngay tại Nhât Bản. Mà trong khi vùng chúng mình sắp đến hái măng nghe nói là khu thăm quan và cắm trại nổi tiếng trong vùng. Và rồi mình đã phớt lờ cảnh báo đó và đã không mua nó. Nghĩ đến thời gian ở Việt Nam, việc gặp gấu rừng ở Việt Nam là điều khó tưởng tượng và bản thân mình chưa từng nghe câu truyện nào nên đã rất chủ quan. Và rất may lần đó cả đội không hề gặp con nào cho dù đi hàng vài km quanh rừng để hái măng.
Cho đến đợt vừa rồi nhân dịp kỳ nghỉ ngắn của công ty, chúng mình đã tận mặt chứng kiến và trải nghiệm cảm giác giật mình và hoảng sợ khi lần đầu tiên trong đời nhìn tận mắt con gấu rừng trước mặt mà không phải qua lồng sắt như ở vườn thú mà là giữa núi rừng hoang vắng. Mình xin được chia sẻ câu chuyện đến các bạn, hy vọng nó sẽ giúp ích cho các bạn trong tương lai.
Hôm đó là buổi sáng thứ bảy trời nắng đẹp nhưng hơi nhiều mây, chúng mình được một anh lớn tuổi ở công ty đưa đến các khu vực nổi tiếng xung quanh để tham quan bằng ô tô. Cuộc hành trình bắt đầu từ Myoko ở Niigata, sau đó đến Nagano tiếp theo là Gunma.
Sau khi tham quan vài địa điểm thăm quan ở Myoko, chúng mình tiến về Nagano và dừng chân tại chân núi Asahiyama. Lúc đến đó leo núi, chỉ có ba anh em chúng mình (2 anh em Việt Nam và anh người Nhật ở công ty đưa đi), mình đi đầu vì đang hào hứng dù đã gần trưa. Đi giữa là anh người Nhật và sau cùng là cậu em người Việt đi cùng. Dọc đường đi, chúng mình đã gặp những thanh thép hình hoặc mảnh thép lớn treo bên lề đường, hỏi ra mới biết nó có tên クマよけ có mục đích để người leo núi gõ phát ra âm thanh nhằm báo hiệu cho các loài động vật hoang dã biết và xua đuổi chúng tránh xa nơi có âm thanh.
クマよけ xua đuổi gấu rừng dọc đường leo núi trong rừng. |
Dọc đường đi, mỗi khi thấy クマよけ là mình lại hào hứng gõ mạnh làm âm thanh vang rất xa. Trong quá trình leo núi, mỗi khi anh người Nhật đề cập đến việc có khả năng gặp gấu rừng hay lơn rừng, anh nói đến việc có phát hiện ra mùi hôi thoáng qua, mùi hôi đó theo kinh nghiệm của anh ấy chính là phát ra từ gấu rừng. Lúc đó chúng mình lại cười tươi và trả lời, 大丈夫です。クマがいないよ. Quả thực lúc đó mình không hề hình dung đến việc có thể gặp gấu rừng.
Bất thình lình, khi đang cười nói vui vẻ, anh người Nhật bỗng hô lên, クマ, mình đang đi đầu giật mình ngẩng đầu trông ra xa tầm 50m thì ôi trời, một con gấu rừng toàn thân đen bóng, kích thước khoảng 50kg đang băng qua lối đi. Anh người Nhật bắt đầu chạy quay lại, mình cũng không nghĩ ngợi được gì mà chỉ theo bản tính hoảng sợ mà cắm đầu chạy theo. Vừa chạy, anh người Nhật vừa hô ra âm thanh mình đoán để xua đuổi gấu khiến chúng sợ bỏ đi. Trong lúc chạy, trong đầu mình đã suy nghĩ đến khả năng bị gấu đuổi theo và tấn công nhưng cũng không nghĩ được điều gì tiếp theo nữa. Sự sợ hãi đã khiến mình chạy rất nhanh, nên lúc đi mình đi đầu và lúc chạy mình cũng là người chạy nhanh nhất. Chạy được vài phút chúng mình có ngoảnh lại phía sau, dù không thấy gấu đuổi theo nhưng chúng mình vẫn sợ và tiếp túc di chuyển quay về xe dưới chân núi và bỏ cuộc hành trình leo núi.
Đứng dười chân núi nhìn lên phía trên, mình vẫn bàng hoàng và bủn rủn chân tay vì sợ hãi, lần đầu tiên trong cuộc đời, dù hồi bé đã nghe bao lần về một câu chuyên trong sách giao khoa kể về một người thợ săn gặp gấu rừng giả chết rồi thoát chết, mà trong giây phút ấy, mình đã quên hết và chỉ có nỗi sợ và bản năng chạy chốn thật nhanh.
Nghỉ ngơi một lát, chúng mình tiếp tục đi đến khu khách sặn ven đường cách đó tầm 10p đi ô tô. Điểm đến đó là một khu dịch vụ ăn uống và nghỉ ngơi cho khách du lịch. Tại đó có một ngọn đồi hoa rất đẹp, chúng mình hứng thú leo lên nhưng đến nửa chừng, dường như nỗi sợ còn trong tâm trí nên vừa ngửi thấy một mùi hôi thoang thoảng, cùng một bóng đen ở khu cây rậm rạp gần đó, chúng mình lại lo lắng và bỏ cuộc, trở về bãi đậu xe.
Tiếp tục chuyến đi, chúng mình lên xe và tiến về Khu núi Yokoteyama/ 横手山(Nagano) với hệ thống cáp treo và Sainokawara Park/ 西の河原公園 (Gunma) một điểm tắm onsen kết hợp khu phố truyền thống rất nổi tiếng tại Nhật Bản.
Sau khi kết thúc một ngày đi quanh 3 tỉnh Nhật Bản với rất nhiều cảnh đẹp nổi tiếng cùng sự cố gặp gấu rừng đáng nhớ, mình đã tìm hiểu thêm thông tin về tình trạng gấu rừng ở Nhật thì thu thập được một số thông tin đáng quan tâm.
Hiện nay, dân số Nhật Bản đang giảm, nhưng lại có sự tăng lên của tình trạng gấu rừng xuất hiện tại các vùng dân cư, đặc biệt là các vùng dân cư thưa thớt.
Một số trường hợp như sau:
- Khoảng tháng 6/2019 tại Niigata, một chú gấu đen đã lặn lội từ khu rừng xuống tận khu vực công viên nổi tiếng nhất nhì Nhật Bản, công viên Takada và cố thủ trên cây đến khi bị tóm. Thông tin về hành trình từ rừng đến công việc của chú chưa có thông tin.
Tháng 10/2016, một chú gấu rừng ban đêm đã vào lục lọi tủ lạnh một cửa hàng ở Ome, Tokyo.
- Tại Akita ken, tháng 6 năm 2016 đã có 4 người đã bị giết bởi gấu rừng.
- Theo số liệu thống kê của NHK, tính đến tháng 10/2016, có 77 người bị thiệt mạng do gấu rừng tấn công ở Nhật Bản.
- Chỉ riêng năm 2018, có gần 13.000 trường hợp người dân báo cáo về việc bất ngờ gặp gấu.
Trong một thời gian dài, những người đi bộ leo núi ở Nhật Bản đã coi chiếc chuông đuổi gấu là vật dụng thiết yếu. Những âm thanh mà nó phát ra có thể khiến những con vật to lớn hoảng sợ và bỏ đi.
Thế nhưng hiện nay, tại một số vùng núi, chuông đuổi gấu không còn là món đồ chuyên dụng dành cho những người thích đi dã ngoại nữa mà tất cả mọi người đều cần dùng đến nó, trên đường đi chợ, đi chơi hoặc chỉ đi loanh quanh trong thị trấn.
"Số lượng động vật hoang dã, bao gồm gấu, lợn rừng và khỉ đang tăng nhanh, và chúng bắt đầu đi vào những ngôi làng và thị trấn", ông Hiroto Enari đến từ đại học Yamagata, cho biết.
Có rất nhiều loài động vật hoang dã ở Nhật Bản, bao gồm cả gấu đen và gấu nâu.
Dân số Nhật Bản đang sụt giảm, đặc biệt ở khu vực nông thôn do ảnh hưởng từ quá trình đô thị hóa.
Ông Enari giải thích rằng gấu sẽ mạnh dạn đi tới những ngôi làng vào ban ngày nếu không có nhiều người xuất hiện. Nơi có nhiều trường hợp nhìn thấy gấu nhất là Akita, tỉnh phía Tây Bắc đảo Honshu, nơi dân số sụt giảm với tốc độ thuộc loại cao nhất cả nước.
Một lý do khác khiến cho động vật ngày càng đông hơn là do việc săn bắn không còn phổ biến như trước. Dữ liệu của chính phủ cho thấy độ tuổi trung bình của những thợ săn hiện nay là 68. Và với những khu rừng rậm rạp, núi non hiểm trở, nhiều loài động vật có điều kiện thuận lợi để sinh sôi.
Ngành nông nghiệp và lâm nghiệp cũng không còn phổ biến như trước, khiến nhiều diện tích đất canh tác bị bỏ hoang, và điều đó cũng góp phần mở rộng môi trường sống của các loài động vật.
Hy vọng câu chuyện chúng mình gặp phải gấu rừng sẽ giúp các bạn rút ra được kinh nghiệm và những số liệu thống kê đáng sợ trên sẽ giúp các bạn chú ý và cẩn thận hơn trong thời gian sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản.
0 件のコメント:
コメントを投稿